Trở thành bạn chơi của con dễ hay khó

“Không phải mình không muốn chơi với con, nhưng lắm khi chẳng biết chơi gì. Cứ lặp đi lặp lại mãi vài trò, con chán mà mẹ cũng chán.”

Trong một buổi trò chuyện với cha mẹ học sinh, tôi đặt câu hỏi “Có anh chị nào chưa từng cảm thấy cắn rứt vì không làm tốt chuyện chơi với con?”. Chỉ một vài cánh tay tự tin đưa lên, còn lại bẽn lẽn cười trừ. Khán phòng chùng xuống đến khi một giọng nói rụt rè cất lên: “Cô ơi, không có thời gian!”.

Chuyện dễ mà khó

Chuyện chơi với con tưởng dễ nhưng là một trong những việc khiến cha mẹ dễ kiệt sức nhất. Sau ngày làm việc mệt mỏi, cha mẹ chỉ muốn nằm dài trên giường chứ không phải chạy lòng vòng quanh nhà sắm vai mèo chuột, trong khi lũ trẻ thì như có một nguồn năng lượng không bao giờ cạn.

Một bà mẹ chia sẻ : “Không phải mình không muốn chơi với con, nhưng lắm khi chẳng biết chơi gì. Cứ lặp đi lặp lại mãi vài trò, con chán mà mẹ cũng chán. Có bấm bụng mua đồ chơi cho con thì chỉ vài bữa là nó quăng, xót cả ruột. Riết rồi thấy dễ nhất là bật ti vi lên, con thích mà mình được rảnh tay làm công chuyện”.

Cứ thế, ti vi, máy tính bảng, điện thoại… dần thay cha mẹ chơi với con, trở thành bạn thân thiết của con, đến mức có người cảm thán: “Tụi nhỏ bây giờ chắc có thể sống thiếu cha mẹ chứ không thể thiếu smart phone!”.

Ảnh mang tính minh họa: Internet

Để không là “cái bóng vật vờ” bên con

Người Mỹ có câu châm ngôn “Không bao giờ thiếu thời gian cho những việc quan trọng, vì thời gian là do ta tạo ra”. Bảo “không có thời gian”, là cách bao biện cho một sự thật là ta không muốn dành thời gian cho việc đó vì với ta có những việc khác quan trọng hơn cần làm.

Vậy, chuyện chơi với con quan trọng đến mức nào, và nó tốn bao nhiêu thời gian? Tôi thường nói với cá c phụ huynh “Giai đoạn mà con cần ta, yêu thương ta vô điều kiện dù ta ở bên con nhiều hay ít, ngắn ngủi lắm.

Chẳng mấy chốc, các anh chị sẽ thấy con vụt lớn lên, rời xa khỏi vòng tay của chúng ta và không yêu cha mẹ vô điều kiện nữa. Nếu không muốn mình chỉ là những cái bóng mờ nhạt trong tương lai đó của con, ta phải thực sự hiện diện trong hiện tại của chúng!”.

Thực sự hiện diện không chỉ là “có mặt ở nhà” hay “ngồi bên cạnh con”. Nếu bên cạnh con, mà mắt dán vào điện thoại, miệng giục con tự chơi đi đừng làm phiền ba mẹ, thỉnh thoảng ừ hử lấy lệ khi con nói một điều gì đó; thì ta có khác gì cái bóng vật vờ bên con?

Thực sự hiện diện là cho dù ta chỉ có thể dành cho con 30 phút mỗi ngày, thì đó là 30 phút “chất lượng tuyệt đối”. Hãy vứt điện thoại sang một bên, vứt những âu lo về công việc ra khỏi đầu để hòa vào trò chơi cùng con như một “bạn chơi” thực thụ. Hãy lắng nghe những câu chuyện không đầu không cuối của con bằng toàn bộ tâm trí của mình.

Tôi quen một ông bố cực kỳ bận rộn, là sếp của vài công ty. Anh kể rằng mình luôn có cảm giác tội lỗi vì quá bận, không có thời gian cho con cho đến khi anh thử áp dụng “30 phút chất lượng mỗi ngày”.

Sau một tuần lặp đi lặp lại đều đặn, một hôm anh về đến nhà, đứa con trai nhỏ ào ra cửa reo lên vui sướng “A, ba về rồi, ba về rồi! Chơi với ba là vui nhất!”. Anh bảo rằng, khi ấy trong anh trào dâng niềm hạnh phúc khó tả, bởi chưa bao giờ con nhìn anh bằng ánh mắt lấp lánh đến thế, tin cậy đến thế. Chỉ 30 phút thực sự hiện diện bên con mỗi ngày đáng giá hơn hàng giờ “vật vờ” bên con.

Học cách chơi cùng con

Để trở thành bạn chơi tin cậy của con, cha mẹ cũng cần phải học. Chuyện học này rất dễ dàng, chẳng tốn kém gì. Chỉ cần vào Google gõ “trò chơi cho trẻ ba tuổi” hoặc dạo một vòng nhà sách là có thể nhận được vô số gợi ý.

Hay khi chọn mua đồ chơi cho con, hãy chịu khó dành ra ít phút để đọc hướng dẫn cách chơi và thử chơi qua món đồ đó trong tâm thế của một đứa trẻ, bạn sẽ thấy mình rút ra được nhữ ng “bí kíp” chơi hay ho đủ để thành “sư phụ tuyệt vời” trong mắt con. Điề u nà y chắc chắn là hay hơn nhiều so với chuyện chỉ mua về và quẳng nguyên hộp đồ chơi cho con tự xoay xở!

Hãy kiên nhẫn trong lúc chơi cùng con. Đừng ngáp ngắn ngáp dài khi con lặp đi lặp lại mãi một việc không chán, đừng nôn nóng khi con chưa hiểu luật chơi, đừng vội vã nhào vào làm giùm con phần khó khi thấy con “chơi mãi không xong”.

Bởi con chỉ là một con người bé bỏng trước thế giới rộng lớn và mới mẻ. Lúc chơi chính là lúc con khám phá và học hỏi về thế giới ấy. Hãy là người dẫn đường cho con, nhưng tôn trọng nhu cầu của con là được đi với tốc độ phù hợp, được thử và sai, được tự mình trải nghiệm và hoàn thiện bản thân trên hành trình.

Khi cha mẹ học cách chơi cùng con, cũng là lúc chúng ta học cho chính mình. Ai đó đã nói rằng trong lúc ta cố gắng dạy con những bài học về cuộc sống, chính con lại dạy cho ta cuộc sống thực sự là như thế nào.

Hãy thả mình vào những trò chơi của con bằng tâm trí hồn nhiên như trẻ thơ, bằng mong muốn được thực sự hiện diện bên con, bạn sẽ nhận ra bài học cuộc sống ý nghĩa mà con vô tình “dạy” cho mình. Đó là hãy vui với từng phút giây ở hiện tại, với những điều giản dị quanh mình. Chúng ta mải mê đuổi theo hạnh phúc, đó chẳng phải là cách dễ dàng nhất để cảm nhận hạnh phúc sao?

Theo Nguyễn Thúy Uyên Phương / Phunuonline

Có thể bạn muốn xem

Sau ba tuổi thì đã muộn!

Lời nhắn nhủ “Sau ba tuổi thì đã muộn” cũng là tên của cuốn sách...
Xem thêm

“Thật đáng tiếc”

Tôi đã nói câu này với đứa con gái 4 tuổi của mình thay cho...
Xem thêm

Nhịn là nhục, nhường là thua?

Rất nhiều tội ác của giới trẻ hôm nay khởi xuất từ nóng giận nhất...
Xem thêm

Dạy con một, bố mẹ đã biết cách?

Nhiều người cho rằng, khi chỉ có một mình thì trẻ dễ bị hư hỏng....
Xem thêm
Hotline
Nhắn tin Zalo
Nhắn tin facebook
button