Hotline 1900 7169

Bí kíp đơn giản cho thai kỳ khỏe mạnh


7 mẹo nhỏ cực đơn giản, lại dễ thực hiện sau đây sẽ giúp bạn duy trì thai kỳ một cách an toàn, thư thái và khỏe mạnh hơn

Có 1 thai kỳ khỏe mạnh: không tăng cân quá nhiều, giữ tinh thần thoải mái và tránh xa stress, rèn luyện cơ thể dẻo dai, tăng sức chịu đựng chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ sắp đến là mục tiêu rất quan trọng mà chị em nên đặt ra cho mình ngay khi vừa phát hiện tin mừng “bầu bí”. Bởi nếu bị béo phì, mẹ bầu sẽ có nguy cơ mắc chứng tiểu đường thai kỳ, bệnh tim mạch, sẩy thai, sinh non, thai bị dị tật v.v… Còn hậu quả của việc mẹ bầu bị stress khi mang thai sẽ là nguy cơ con sinh ra bị các vấn đề về tâm lý, tâm thần; và nếu không tăng khả năng chịu đựng của cơ thể thì dễ sinh khó cũng như lâu hồi phục sau sinh v.v…

Thay đổi các thói quen ăn uống, nghỉ ngơi hay vận động là một số trong những mẹo hay để mẹ bầu đạt được mục tiêu “tối quan trọng” vừa nêu. Ngoài ra, còn có nhiều “bí kíp” cực đơn giản, dễ làm để mẹ và bé trải qua 1 thai kỳ an toàn, lành mạnh như sau.

1. Thay kem để làm bạn với sữa chua





Ăn kem quá nhiều khi bầu bí sẽ gây hại không nhỏ đến sự phát triển của thai nhi, mà mẹ lại dễ bị tăng cân, viêm họng, cảm lạnh v.v…(hình minh họa)



Nghén là triệu chứng hết sức bình thường mà hầu hết bà bầu nào cũng có thể gặp phải, nhất là vào tam cá nguyệt thứ nhất của thai kỳ. Buồn nôn, nôn ói, mệt mỏi v.v… làm mẹ bầu mất sức, từ đó chị em có xu hướng tìm đến các món ăn vặt chứa nhiều đường để phục hồi năng lượng. Có không ít bà bầu đã “làm bạn thân” với các món kem ngon miệng, ngọt ngào và mát lạnh vì cảm giác thơm ngon, sảng khoái khi thưởng thức mà quên rằng kem, cũng như các món ăn vặt chứa nhiều đường khác sẽ làm bạn có nguy cơ đối diện với việc tăng cân mất kiểm soát trong suốt thời gian mang thai.

Ăn quá nhiều kem và những món lạnh khi bầu bí còn làm cho các mạch máu ở dạ dày và đường ruột đột nhiên co thắt lại, dịch dạ dày tiết ra ít khiến chức năng tiêu hóa bị giảm đáng kể, gây ra chứng chướng bụng, tiêu chảy. Ngoài ra, ăn quá lạnh cũng khiến huyết dịch giảm, sức đề kháng cục bộ theo đó giảm mạnh, tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus trong khoang mũi, khoang miệng tấn công, làm bà bầu bị ho, đau rát cổ họng, đau đầu… Các món kem cũng có thể được chế biến từ trứng sống, vốn có khả năng chứa vi khuẩn salmonella, làm mẹ bầu bị nhức đầu, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, run và sốt, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Thế nên, thay vì ăn kem, mẹ bầu hãy chọn cho mình món sữa chua vốn được xem là 1 trong những “thực phẩm vàng” của mẹ và bé. Ưu điểm vượt trội của sữa chua là chứa nhiều canxi và protein rất cần thiết cho sự phát triển của bé trong bụng mẹ. Sữa chua cũng chứa rất ít calo, với khoảng 150 calo cho mỗi hũ sữa nhỏ, nếu kết hợp thêm với các loại trái cây tươi hay sấy khô, các loại hạt …, sẽ cung cấp khoảng 200 calo. Do nhu cầu năng lượng của mẹ bầu chỉ cần tăng khoảng 200 – 400 calo mỗi ngày, vì vậy sữa chua thật sự là 1 lựa chọn lý tưởng để chị em bớt nghén mà vẫn bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tránh tăng cân quá nhiều, đồng thời còn hạn chế được chứng khó tiêu, đầy hơi, táo bón vốn rất hay gặp trong thời gian này.

2. Thêm cá vào thực đơn hàng tuần




Cá hồi rất giàu omega 3 – chất béo thiết yếu giúp thai nhi thông minh, nhanh nhạy, đồng thời lại dễ chế biến thành nhiều món ngon cho mẹ bầu tha hồ thưởng thức (hình minh họa)



Cá rất giàu protein và các axit béo thiết yếu cho sự phát triển não bộ thai nhi. Một kết quả nghiên cứu khoa học còn chứng minh bé sinh ra từ những mẹ bầu ăn ít nhất 2 khẩu phần cá mỗi tuần sẽ giảm được 60% nguy cơ mắc phải chứng rối loạn tăng động. Trong giai đoạn đầu thai kỳ, ăn cá giúp chị em giảm nguy cơ bị sinh non hay bé sinh ra bị nhẹ cân, giúp tăng trí thông minh cho thai nhi, hạn chế mắc bệnh trầm cảm sau sinh ở mẹ.

Tuy nhiên, do một số loại cá biển có hàm lượng thủy ngân cao nên mẹ bầu cần cẩn trọng trong việc chọn lựa, chế biến, cụ thể không ăn cá mập, cá kiếm, cá thu, cá lát, cũng như không ăn gỏi cá sống, cá phải được nấu chín kỹ trước khi dùng. Mẹ bầu cũng không nên ăn quá 350 gram cá hay hải sản trong 1 tuần và có thể lựa chọn các loại cá rất tốt cho thai nhi như cá hồi, cá ngừ đại dương, cá chép v.v…

3. Thường xuyên dùng các loại thuốc bổ sung dưỡng chất


Một số dưỡng chất thiết yếu cho mẹ và thai nhi như sắt, vitamin B12, axit folic v.v… mặc dù có nhiều trong thực phẩm hàng ngày nhưng cơ thể mẹ lại khó hấp thu đầy đủ, chưa kể một số chất dinh dưỡng lại dễ mất đi hoặc bay hơi trong quá trình nấu nướng. Do đó, để thai nhi nhận đủ dưỡng chất thiết yếu đảm bảo cho sự phát triển toàn diện cả thể chất và trí não, mẹ bầu cần tuân thủ đúng liều dùng các loại thuốc viên bổ sung vitamin và khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ sản khoa suốt kỳ bầu bí.

Thiếu hay thừa các khoáng chất và vitamin trong thai kỳ đều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của cả mẹ và bé, ví dụ nếu thiếu axit folic, thai nhi có nguy cơ mắc bệnh nứt đốt sống, não úng thủy, dị tật ống thần kinh v.v…, trong khi tiêu thụ quá nhiều axit folic sẽ gây tăng sinh tế bào làm cho những khối u trên cơ thể mẹ phát triển nhanh hơn, mẹ bị thoái hóa tủy sống bán cấp hoặc gây chứng ngứa, nổi ban, mề đay và rối loạn tiêu hóa.

4. Nói “không” với chất béo độc hại (Trans Fat)





Ăn quá nhiều chất béo Frans Fat trong khoai tây chiên hay các loại thực phẩm chiên xào khác có thể gây nên chứng tiền sản giật nguy hiểm ở mẹ bầu (hình minh họa)



Chất béo độc hại (tên tiếng Anh là Trans Fat hoặc Trans fatty acid) là các axit béo đồng phân nhân tạo được hình thành bằng phương pháp Hydro hóa dầu ăn, nhằm giúp thực phẩm được bảo quản lâu, bắt mắt và hấp dẫn người dùng hơn. Chất béo độc hại thường có trong các loại thực phẩm chế biến sẵn như bánh cookies, khoai tây chiên, quẩy nóng, gà rán, thịt rán v.v… cũng như tồn tại nhiều trong bánh ngọt và cả đồ ăn nhẹ. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh việc tiêu thụ quá nhiều các thực phẩm có chứa chất béo Trans Fat khi mang thai là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến chứng tiền sản giật ở bà bầu. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé, bạn nên nghiên cứu cẩn thận thành phần nguyên liệu trên bao bì các loại thực phẩm chế biến công nghiệp, những món ăn nhanh...

5. Siêng đi bộ mỗi ngày

Đảm bảo cân nặng tăng dần theo chuẩn khuyến nghị của bác sĩ sản khoa sẽ dễ dàng hơn nếu mẹ bầu siêng luyện tập thể dục mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu chưa tập thể thao trước khi mang thai, hoặc không có điều kiện đến phòng gym thì đi bộ được xem là lựa chọn tuyệt vời nhất cho bất cứ mẹ bầu nào muốn rèn luyện cơ thể. Bà bầu siêng đi bộ sẽ nhận được rất nhiều lợi ích về sức khỏe: có 1 trái tim khỏe mạnh và cơ bắp săn chắc, giúp tử cung co bóp nhanh và dễ dàng hơn để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ, giảm nguy cơ tiểu đường và tiền sản giật thai kỳ, đốt cháy calo, từ đó hạn chế tăng cân quá nhiều khi bầu bí, giảm nguy cơ bị táo bón v.v…




Dù rất tốt cho mẹ và bé, nhưng chị em cần tránh đi bộ trong tiết trời nóng bức, vì sự gia tăng nhiệt độ quá mức ở cơ thể mẹ có thể gây dị tật cho thai nhi (hình minh họa)



Một điểm cộng nữa cho việc đi bộ khi bầu bí là bạn có thể bắt đầu vào bất cứ thời gian nào trong ngày, đủ an toàn để thực hiện trong suốt 9 tháng bầu bí và ngay cả khi cận kề ngày sinh nở. Vì vậy, nếu đã có thói quen đi bộ trước đó, bạn nên duy trì đều đặn hoạt động thể lực này suốt thai kỳ. Còn nếu mới bắt đầu, hãy đi bộ chậm rãi khoảng 20 phút mỗi ngày. Một lưu ý nhỏ là khi đi bộ, mẹ bầu nên mang theo nước để đảm bảo cơ thể không bị mất nước, vốn là nguyên nhân dẫn đến các cơn co thắt và làm tăng nhiệt độ cơ thể, gây nguy hiểm cho thai nhi và bản thân bạn.

6. Massage để tránh xa stress

Trong thời gian mang thai, cùng với sự tăng trọng và phát triển không ngừng của thai nhi, cơ thể mẹ bầu sẽ bị thay đổi trung tâm trọng lực và các bộ phận như lưng, cổ, cơ bụng, vai phải chịu nhiều căng thẳng, các dây chằng giãn ra làm khớp xương chậu kém ổn định, gây nên các triệu chứng nhức mỏi cơ, khớp. Khi đó, để giải tỏa những khó chịu này mẹ bầu nên đến Spa hoặc nhờ ông xã thực hiện các động tác massage nhẹ nhàng giúp máu lưu thông tốt hơn, làm dịu chứng đau hệ thần kinh vùng xương chậu, giảm tình trạng căng cơ hông v.v… Đồng thời, quá trình massage sẽ giúp cơ thể phóng thích hormone dopamine, serotonin nhờ đó ngăn chặn, giải tỏa các chứng phiền muộn, lo lắng và trầm cảm vốn rất thường gặp ở chị em thai phụ.

Để massage phát huy hiệu quả tốt nhất, mẹ bầu nên chọn các cơ sở Spa uy tín hoặc cùng ông xã nghiên cứu những động tác an toàn cho mẹ và thai nhi. Cũng nên tránh dùng các loại tinh dầu như bạc hà, húng quế, đinh hương, gỗ tuyết tùng, gừng v.v… vì có thể gây co thắt tử cung làm sẩy thai, sinh non, cũng như không thực hiện massage trên khu vực da bị tổn thương, bị nhiễm trùng v.v… sẽ làm tình trạng da thêm xấu đi.

7. Bỏ đường ra khỏi thực đơn ăn uống trong ngày


 

Theo các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Auckland (New Zealand), mẹ ăn quá nhiều đường trong thai kỳ sẽ làm giảm chất dinh dưỡng đến thai nhi, nhất là với bào thai gái (hình minh họa)


Ăn quá nhiều thực phẩm chứa đường khi mang thai sẽ làm cho cơ thể tăng cân quá mức, gây ra hàng loạt các nguy cơ về sức khỏe ở mẹ và bé như phát triển bệnh tiểu đường thai kỳ, mẹ phải mổ lấy thai, thai nhi nhẹ cân hoặc quá to gây sinh khó v.v… Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Auckland (New Zealand) còn phát hiện ra rằng, mẹ ăn quá nhiều đường trong thai kỳ sẽ làm giảm chất dinh dưỡng đến thai nhi. Do đó, nếu nghén ngọt, mẹ bầu nên bỏ qua các loại bánh kẹo nhiều đường, và các loại nước uống có gas. Thay vào đó, ăn nhiều trái cây có vị ngọt, uống nước ép trái cây hay sữa chua, dùng mật ong, đường mía v.v…để hạn chế tối đa việc tiêu thụ quá nhiều đường trong suốt thai kỳ.


Theo Eva

 

Bài viết liên quan

Cứ ăn uống lành mạnh là khỏi cần lo mẹ bầu ăn gì để con thông minh

Cứ ăn uống lành mạnh là khỏi cần lo mẹ bầu ăn gì để con thông minh

Mẹ bầu ăn gì để con thông minh, bỏ qua thắc mắc dai dẳng này đi mẹ nhé, chỉ cần ăn uống lành mạnh, đủ chất là con sinh ra khỏe mạnh, IQ...

Xem thêm
Mẹo dân gian trị đau rát cổ họng có đờm dứt điểm cho bầu

Mẹo dân gian trị đau rát cổ họng có đờm dứt điểm cho bầu

Đau rát cổ họng có đờm gây khó chịu kéo dài cho mẹ bầu trong quán trình mang thai. Nếu không chị dứt điểm có thể dẫn...

Xem thêm
Mẹo đối phó với chứng đau dây chằng khi mang thai

Mẹo đối phó với chứng đau dây chằng khi mang thai

Chứng đau dây chằng khi mang thai thường xuất hiện ở tam cá nguyệt thứ hai khi thai nhi lớn dần lên và không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe bầu

Xem thêm